Thư viện Trường Đại Học Mở Hà Nội

Thư viện Trường Đại Học Mở Hà Nội

 
 

Thư viện Trường Đại học Mở Hà Nội ra đời ngay sau khi Viện Đại học Mở Hà Nội được thành lập năm 1993, được gọi là Phòng Thư viện. Thời kỳ mới thành lập, số lượng đầu sách tham khảo, giáo trình, báo, tạp chí của Phòng Thư viện còn rất ít, chủ yếu là dưới dạng in ấn. Tuy nhiên, hàng năm, Phòng Thư viện được bổ sung các loại tài liệu, không chỉ có tài liệu in ấn, mà còn có cả tài liệu điện tử số.

Trường Đại học Mở Hà Nội với sứ mệnh “Mở cơ hội học tập cho mọi người” đã phát triển trên cơ sở mềm hóa các quá trình đào tạo, đa dạng hóa các cấp độ và loại hình đào tạo, coi đào tạo từ xa là nhiệm vụ trọng tâm. Quy mô đào tạo của Viện không ngừng gia tăng (lên đến 50 sinh viên, học viên các hệ); địa bàn đào tạo của Viện không ngừng mở rộng (46/63 tỉnh, thành phố). Điều đó đã đặt ra yêu cầu phát triển hệ thống thông tin thư viện để ngang tầm nhiệm vụ. Ngày 15/5/2009, Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội ký quyết định số 52/QĐ-ĐHM thành lập Trung tâm Thông tin Thư viện trên cơ sở nâng cấp Phòng Thư viện.

Hệ thống Thư viện Trường Đại học Mở Hà Nội được phân làm 2 cấp: Thư viện cấp Trường và Thư viện cấp Khoa, Trung tâm. Thư viện cấp Khoa, Trung tâm là các thư viện chuyên ngành tại các khoa và các thư viện mini tại các trung tâm liên kết địa phương (gọi tắt là thư viện khoa, trung tâm).

Tin Thư viện giữ vai trò đầu mối của hệ thống thông tin thư viện, trọng tâm vào xây dựng và phát triển thư viện điện tử số. Tháng 08 năm 2008, Trung tâm bắt đầu triển khai thư viện số Libol. Đến tháng 10 năm 2014, Thư viện nâng cấp lên thư viện số Kipos với hơn 1000 đầu sách và tài liệu số, phục vụ tốt nhu cầu đọc trực tuyến, tải tài liệu mọi nơi mọi lúc của của cán bộ, giảng viên, sinh viên và học viên thuộc Viện Đại học Mở Hà Nội trên địa bàn cả nước. Thư viện hiện đang tọa lạc tại tòa nhà 4 tầng thuộc Cơ sở 2 Trường Đại học Mở Hà Nội, Thị trấn Văn Giang (Hưng Yên).

Hiện nay hệ thống Thư viện Trường Đại học Mở Hà Nội có 10 thư viện chuyên ngành tại các khoa và 17 thư viện mini tại các trung tâm liên kết đào tạo địa phương. Thư viện đã chuyển giao tối đa số lượng sách tham khảo chuyên ngành (dạng in ấn) về cho các thư viện khoa và trung tâm, đồng thời, phối hợp và hỗ trợ tích cực về mặt chuyên môn nghiệp vụ cho các thư viện khoa và trung tâm để phục vụ có hiệu quả các nhu cầu đọc, mượn, trả tại chỗ của cán bộ, giảng viên, sinh viên và học viên tất cả các hệ đào tạo. 

Scroll