Chị Lê Thị Trang tỉ mẩn với công việc nghiên cứu yêu thích |
Sự học là mãi mãi
Chị Trang hiện đang làm việc tại phòng thí nghiệm Vi khuẩn kỵ khí, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Công việc của chị là nghiên cứu về nhóm vi khuẩn kỵ khí gây bệnh trên người như: vi khuẩn Clostridiodes difficile căn nguyên hàng đầu gây bệnh viêm đại tràng giả mạc và tiêu chảy sau dùng kháng sinh; vi khuẩn Clostridium botulinum gây bệnh ngộ độc thịt do ăn phải thực phẩm có chứa độc tố của vi khuẩn, triệu chứng bệnh giống với bệnh tai biến mạch máu não nên dễ bị chẩn đoán nhầm, dẫn đến điều trị sai.
Đây đều là những bệnh ít gặp, khó khăn trong chẩn đoán nên được xem là bệnh “bị lãng quên” ở Việt Nam. Chính vì vậy, nhiệm vụ của chị Trang và đồng nghiệp là nghiên cứu, nuôi cấy phân lập các loại vi khuẩn này,
Từ đó xây dựng quy trình xét nghiệm, hỗ trợ các bệnh viện trong việc chẩn đoán chính xác bệnh do vi khuẩn kỵ khí gây nên.
Với sự chăm chỉ và đam mê trong công việc, chị Lê Thị Trang đã 2 lần xuất sắc nhận Bằng khen Bộ y tế do có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch tả năm 2008; bằng khen cho thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch covid-19 năm 2020 và đạt giải cao trong hội thi sáng tạo khoa học tuổi trẻ ngành y tế năm 2017.
Công việc khá bận rộn, đòi hỏi tính cẩn thận và tỉ mẩn cao nên việc đi học của chị Trang vào giai đoạn này cũng là một quyết định khó khăn vì phải cân đối để làm sao vừa đảm bảo công việc ở đơn vị, vừa có thời gian để học tập một cách nghiêm túc nhất.
“Trước đây, khi chưa đi học, tôi luôn có suy nghĩ: bằng cấp không quan trọng, năng lực mới là thứ quyết định tất cả nên dù đã tốt nghiệp đại học khá lâu, tôi không có ý định muốn học lên.
Bây giờ học rồi mình mới hiểu, hoá ra bằng cấp chỉ là một phần, sự đào sâu nghiên cứu, hoàn thiện kiến thức chuyên ngành một cách toàn diện mới là điều mà mọi người được nhận khi tham gia học cao học…” – chị Trang chia sẻ.
Phát triển kỹ năng
Khác với sinh viên, học viên cao học thường được tiếp cận kiến thức theo hướng mở. Với mỗi vấn đề, sinh viên được thầy cô định hướng, cho thời gian để tự tìm hiểu. Sau đó học viên sẽ trình bày để nhận góp ý từ thầy cô và bạn học.
Với cách học này, học viên và giảng viên đều có sự chủ động, không bị gò bó trong việc xử lý và tiếp thu kiến thức. Đây cũng chính là một trong những điểm khác biệt rõ nét giữa học thạc sĩ và đại học.
Sau một thời gian học thạc sĩ tại Trường ĐH Mở Hà Nội, nhiều kỹ năng chị Trang được cải thiện một cách bất ngờ, đặc biệt là kỹ năng thuyết trình logic về một vấn đề, kỹ năng tranh luận, bảo vệ quan điểm của mình trước đám đông, thứ mà nếu chỉ làm việc trong phòng thí nghiệm thì khó để rèn luyện hay một số kỹ năng khác như tìm kiếm thông tin một cách khoa học, kỹ năng soạn thảo báo cáo.
Ngoài ra, khi học cao học, chúng ta còn được tiếp xúc, làm việc với các cá nhân tài năng từ nhiều nhóm ngành khác nhau, rèn luyện khả năng tư duy và có góc nhìn thực tế hơn về nhiều lĩnh vực, mở rộng mối quan hệ xã hội.
Ngoài những kỹ năng trên, chị Trang còn khéo léo khi tự tay làm nên những sản phẩm hữu ích như: váy áo cho con, túi vải đi chợ, dây buộc tóc, khẩu trang vải, vỏ chăn, vỏ gối,…từ những mảnh vải vụn.
Đây là một trong những hành động được khuyến khích giúp bảo vệ môi trường và cũng là bài tập thực hành của chị trong môn Công nghệ sinh học môi trường.
Dần dần không chỉ là vải vụn, chị Trang thường tìm cách tái chế tất cả những thứ có thể tái chế được: chai nhựa, lọ thuỷ tinh, bát chén vỡ.
Một lợi ích khác mà tấm bằng thạc sĩ mang lại, không thể không kể đến, chính là việc mang đến các vị trí việc làm đáng mơ ước – điều mà bất cứ ai đều mong muốn.
Ngày nay, khi việc học đại học trở nên “phổ cập”, tấm bằng cao học sẽ là một trong những điểm nhấn nổi bật, giúp bạn ghi điểm trong mắt các nhà tuyển dụng. Không chỉ khẳng định được trình độ học vấn mà còn cho các nhà tuyển dụng thấy được sự nỗ lực của bạn trong việc không ngừng nâng cao tri thức.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/kheo-tay-nho-hoc-nganh-cong-nghe-sinh-hoc-post497117.html