Sinh viên Khoa Công nghệ Sinh học sang Nhật Bản thực tập nghề

SINH VIÊN KHOA CÔNG NGHỆ SINH HỌC SANG NHẬT BẢN THỰC TẬP NGHỀ

Từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2019, Khoa Công nghệ sinh học có 10 sinh viên thuộc hai nhóm đi thực tập trồng nấm ở Nhật Bản. Nhóm thứ nhất gồm bốn sinh viên nữ là Nguyễn Thị Quỳnh Anh (lớp 1601), Phạm Thị Tư Hồng (lớp 1601), Lê Thị Thanh Huyền (lớp 1602) và Ngô Hoàng Nhật Linh (lớp 1602). Năm nay là năm thứ hai liên tiếp Khoa Công nghệ sinh học có sinh viên được đối tác Nhật Bản lựa chọn đào tạo nghề tại doanh nghiệp của họ. Để được chọn, sinh viên phải học tiếng Nhật cơ bản và hoàn thành đầy đủ các yêu cầu về năng lực, sức khoẻ trước khi xuất cảnh.

Tư Hồng, Thanh Huyền, Nhật Linh và Quỳnh Anh tại sân bay Nội Bài, ngày 01/08/2019
 

Thanh Huyền, Tư Hồng, Quỳnh Anh và Nhật Linh trong phòng nuôi nấm của Công ty Kids Forest tại Nhật, ngày 7/8/2019
Sinh viên được chuẩn bị như thế nào trước khi sang Nhật?

“Trước khi sang Nhật thực tập ba tháng ở Công ty Kids Forest, chúng em được tập huấn một tuần tại Công ty Kinoko Thanh Cao. Vì Kinoko là công ty con nên được lắp đặt máy móc thiết bị như công ty mẹ và cả tác phong làm việc cũng nghiêm chỉnh như ở bên Nhật. Chỗ ở và xưởng làm việc đều sạch đẹp. Chỉ một tuần thôi nhưng chúng em đã được cô Huệ – Giám đốc Công ty Kinoko rèn luyện từ cách sinh hoạt đến tác phong, nên khi sang bên này chúng em đã thích ứng dễ dàng hơn, không bị bỡ ngỡ nhiều. Các bạn đi đợt sau còn may mắn hơn vì được tập huấn một tháng ở Công ty Kinoko Thanh Cao trước khi sang Công ty Kids Forest, nên sẽ thuần thục công việc và chuyên nghiệp hơn nữa. Khi sang Nhật, việc giao tiếp không khó khăn vì cô Huệ rất giỏi tiếng Nhật đã luyện tiếng và cả văn hoá ứng xử cho chúng em”– Lê Thị Thanh Huyền (lớp 1602) chia sẻ.
Sinh viên được làm gì?
Sinh viên được thực tập trong toàn bộ dây chuyền sản xuất, gồm các công đoạn từ Chuẩn bị môi trường nuôi cấy nấm àPhân tách vi khuẩn nấm trong quá trình cấy dịch thể của nấm àPhân biệt và lựa chọn vi khuẩn nấm khi gãi nấm àTheo dõi quá trình nấm mọc mầm àức chế sinh trưởng và cuốn giấy trước khi thu hoạch àThu hoạch, đóng gói nấm.
Nấm thành phẩm gồm các loại nấm ăn phổ biến như Nấm kim châm, Nấm sò, Nấm đùi gà, Nấm đông cô, Nấm ngọc châm, v.v.
“Ban ngày chúng em làm việc từ 7g40, trưa được nghỉ 45 phút, chiều làm tiếp đến khi hết việc. Vì được tập dượt ở Kinoko Thanh Cao rồi nên khi sang Nhật chúng em đã quen việc, làm cũng không mệt lắm” – Ngô Hoàng Nhật Linh (lớp 1602) chia sẻ.

“Công việc đã quen thuộc nên chúng em làm việc rất ăn ý với công nhân người Nhật bên này” – Nguyễn Thị Quỳnh Anh (lớp 1601) chia sẻ.
Sinh viên học được những gì?
Sau một tuần đầu tiên, các bạn sinh viên đã thích nghi nhanh và phấn khởi vì được học hỏi từ tác phong làm việc năng suất cao, tính kỷ luật của người Nhật. “Hôm nay bác Tanaka khen bọn em rất chăm chỉ nên bác rất vui”. Cả nhóm hào hứng khoe.
“Công việc chính đã được tập dượt trước nên sang đây chúng em được rèn thêm cách làm việc nhanh tay, nhanh chân và cách xử lý tình huống khi đang trong dây chuyền. Người Nhật rất biết giúp đỡ nhau khi làm việc. Em học được cách quan sát, ví dụ ở khâu của em, dây chuyền được chia ra hai bên, một bên chọn nấm để cất vào phòng nuôi trồng và một bên gỡ cổ nấm để đưa vào sử dụng. Nếu trong giờ có 1 đến 2 người phải đi việc khác vì Giám đốc gọi thì em sẽ ra hỗ trợ cho người còn lại ở phân đoạn chọn nấm. Hoặc khi quá nhiều nấm được chọn, phân đoạn của em không kịp tháo cổ, bên đối diện sẽ giúp đỡ ngay. Nói chung, người Nhật luôn hỗ trợ, phối hợp với nhau một cách rất chuyên nghiệp. Em thích cách làm việc đồng đội như vậy” – Tư Hồng tâm đắc.
“Đi làm chúng em không được cầm theo điện thoại, bởi vì lúc làm việc rất nghiêm túc nên không ai dám sao nhãng vào việc riêng cả. Chúng em chỉ tranh thủ được một lần chụp ảnh làm tư liệu, vì hôm đó làm xong rồi, chỗ làm việc mọi người cũng đã nghỉ hết nên chúng em xin được vào phòng nấm để chụp. Mọi khi chúng em hay chúi mũi vào điện thoại nhưng bây giờ mang theo không biết để đâu và không sử dụng được. Cách ly khỏi điện thoại, làm việc khoẻ hơn hẳn” – Quỳnh Anh cho biết.
Sinh viên được đối xử như thế nào?
“Cô Huệ – Giám đốc Công ty Kinoko cũng như bác Tanaka – Giám đốc của Kids Forest đều cực kỳ nghiêm khắc, chỉnh chu trong công việc nhưng ngoài giờ họ rất vui tính và chu đáo nên chúng em cảm thấy thoải mái. Cuộc sống bên Nhật tốt, mọi thứ đều sạch sẽ gọn gàng. Bác Tanaka sắp xếp chỗ ở cho chúng em rất tiện cho công việc vì ngay ở tầng trên của xưởng làm việc và đầy đủ đồ dùng sinh hoạt. Bác Yuuko – vợ của bác Tanaka đã dành hẳn một ngày để dạy chúng em cách sinh hoạt, từ việc phân loại rác đến sử dụng đồ điện như thế nào, mọi thứ đều phải gọn gàng sạch sẽ. Bác còn dẫn chúng em đi siêu thi và chỉ cho cách mua hàng ở đây. Bác rất chu đáo và thân thiện” – Thanh Huyền nhận xét.
“Ngoài việc ở xưởng, bác Giám đốc luôn để ý đến chúng em. Hết giờ làm, bác thường hỏi chúng em rằng sau ngày làm việc thấy như thế nào và luôn nhắc phải cẩn thận trong khi làm việc để tránh bị thương cho chính mình. Bác gái thì rất tốt, luôn chăm chút bữa ăn cho bọn em, nào là đồ ăn được bác nấu cho, rồi còn cả rau củ quả và đồ ăn vặt bác cũng chuẩn bị hết. Mọi thứ ở đây đang rất tốt với chúng em” – Tư Hồng phát biểu.
“Chúng em đang ở trên núi, nhà cửa không có mấy và siêu thị thì phải đi bộ một lúc mới tới nhưng xung quanh có nhiều vườn cây. Chủ nhật được nghỉ, chúng em đang bàn nhau đi loanh quanh. Xưởng cách chỗ ở mười bước chân nên rất tiện. Trong phòng ở có cả bếp và công trình phụ. Buổi tối, chúng em trải chăn đệm trên sàn để ngủ. Chúng em ở cùng hai chị nữa bên Công ty Kinoko Thanh Cao, sáu người chung nhau một phòng. Mọi người bảo là công việc đều đặn, ăn ngủ điều độ, ba tháng nữa về chắc mấy đứa đều tăng cân” – Nhật Linh cười.
“Vì không dùng được điện thoại trong giờ làm việc nên chúng em không có nhiều ảnh tự sướng, nhưng bù lại chúng em làm việc rất tập trung. Mỗi bạn đeo một cái tạp dề khi vào ca. Cái tạp dề sinh ra để hỗ trợ cho chúng em khi quấn cổ nấm. Vì chai nấm gần 1 kg, rất nặng nên nếu không tựa vào người thì không quấn được. Tạp dề đứa nào cũng lem nhem nhưng mặt mũi thì tươi tỉnh phấn chấn”. Cảm nhận chung của cả nhóm là như vậy.   

Scroll